Ngôn Ngữ số 25 phát hành ngày 01/5/2023, đã hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc những nét tổng quát văn nghiệp của nhà văn Song Thao, người đã đến cùng văn chương từ những năm đầu thập niên 60. Những sáng tác của ông trong thời kỳ này, thường chuyên về bút ký, ghi nhận những sự việc của cuộc sống đương thời, có thể được xếp vào thể loại tùy bút.
Một thể loại tưởng dễ nhưng thật khó viết. Với SongThao, ngọn bút của ông luôn sắc nét, linh động.
Điều này có thể nhờ vào nghề tay phải của ông. Bên cạnh kiến thức từ nhà trường, ông thường có cơ hội đi đây đi đó tới quê nhà cũng như xứ người ngay thời kỳ trước 1975, một giai đoạn mà việc xuất ngoại quả không dễ như bây giờ.
Đi là học như người xưa đã nói. Và Song Thao đã minh chứng việc tiếp nhận văn minh qua nhiều bài viết, được đăng trên bán nguyệt san Thời Nay tại Sài Gòn, trong thời ông theo nghề báo.
Tại hải ngoại, ông chuyển sang viết truyện ngắn, nhưng những chuyến ngao du lý thú, đã cầm tay ông tiếp tục viết ra sự học hỏi của mình, qua những tác phẩm có tên gọi ngắn gọn là Phiếm. Trong chúng ta, ít nhiều, ai cũng từng đi đây đi đó, và cũng học theo từng chặng đường, từng nơi thăm viếng, nhưng mấy ai tinh tế nhận xét, mạch lạc viết lại, ghi ra bài bản như Song Thao.
Chúng ta phải nhìn nhận bản lãnh cùng tài hoa của ông có lẽ là điều đương nhiên. Và phải nhìn nhận rằng, với thể loại Phiếm, cách tân bằng những cốt truyện hẳn hoi, đã chóng giúp văn nghiệp của Song Thao có một góc riêng trong văn học, rất độc đáo và nhất là ăn khách.
. .
. .
Trong cuốn sách này, chúng tôi không giới thiệu lại những gì ông sáng tác vốn đã được tạp chí Ngôn Ngữ gởi đến quí bạn trước đây. Với trên 900 trang sách, chữ nhỏ ấm áp, tạp chí Ngôn Ngữ mong giúp tác giả ôn lại, lưu giữ tình bạn văn của ông cùng những người cầm bút đồng thời, từng có nhiều kỷ niệm vui buồn với nhau.
Chủ đề này không xa lạ trong văn học Việt Nam chúng ta, nhưng cũng thường gây nghi ngờ, hiểu lầm. Cụ thể như người cùng phe nhóm công kênh lẫn nhau, đến nỗi người xưa đã phải dùng câu "áo thụng vái nhau".
Thật tình trong sinh hoạt văn học mọi thời, muốn lớn mạnh người viết, kẻ phổ biến. .
. đều phải nương nhau, có thể gọi là phe nhóm không sai mấy.
Người sáng tác cư ngụ tại thủ đô, khác rất nhiều so với những người ở tỉnh lẻ. Điều này không viết ở đây bởi sẽ khá dài dòng.
Xin ngắn gọn: giá trị một tác phẩm văn chương nếu không có những nhận định, giới thiệu, đánh giá. .
. từ những người đi trước lẫn bạn văn đồng thời, sẽ rất ít được tiếp nhận rộng rãi, dẫu giá trị tác phẩm chủ yếu nằm ở người đọc.
Và người đọc căn bản nhất, chính là bạn văn của mỗi tác giả. Ngày nay chúng ta hiếm khi đọc được một bài điểm sách đúng nghĩa huống chi đòi hỏi sự rạch ròi phê bình.
. .
. .